Nhắc đến Kỳ Nam, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến độ quý hiếm của nó, còn thực tế Kỳ Nam là gì? trông như thế nào? có bao nhiêu loại? thì không phải ai cũng biết.
Kỳ Nam là gì?
Theo Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch tổ chức quốc tế chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên tại Việt Nam, cho biết, Kỳ Nam là loại gỗ quý hiếm có trong tự nhiên. Nó là phần gỗ chứa một lượng lớn chất nhựa thơm được sinh ra từ cây dó bầu (thuộc chi Aquilaria).
Hiểu đơn giản thì, Kỳ Nam có cách hình thành tương tự trầm (sinh ra trong cây Dó bầu khi trải qua tổn thương như thiên tai gây nứt, gãy cành, bị mục hay chặt đứt, kiến mối đục thân cây làm tổ, nấm bệnh… ). Tuy nhiên lượng tinh dầu tích tụ và chất lượng tinh dầu thì Kỳ Nam cao hơn trầm hương. Hương thơm và chất kết tinh hoàn toàn khác nhau.
Điểm nữa cho thấy sự khác biệt giữa trầm và Kỳ Nam đó là mức độ quý hiếm. Người ta nhận định, trong rừng tự nhiên từ 1.000 đến 1.500 cây mới có một cây có trầm và từ 10.000 đến 20.000 cây có trầm mới có một cây có Kỳ Nam. Đồng thời, giá thành Kỳ Nam thường đắt gấp 10-20 lần so với trầm hương.
Đặc điểm nhận diện Kỳ Nam
Theo TS Giang, ở Trung Quốc, Kỳ Nam được coi là loại trầm hương có chất lượng tuyệt vời nhất do nồng độ nhựa cao và mùi thơm tinh tế dễ dàng ngửi được mà không cần đốt.
Theo nhà thực vật Võ Văn Chi, người giành nhiều năm nghiên cứu về trầm hương và Kỳ Nam thì Kỳ Nam có những đặc điểm nhận diện sau:
- Kỳ nam là phần gỗ mềm nhưng khó nhận thấy thớ gỗ
- Quánh dầu do có hàm lượng tinh dầu rất lớn
- Tinh dầu của kỳ nam có màu đỏ, nâu đậm hoặc đen
- Chất Kỳ Nam dẻo sánh như sáp mật
- Khi ngửi Kỳ Nam có hương thơm tự nhiên nhẹ nhàng, ngọt và bền bỉ. Dù gói kín nhiều lớp vẫn không giấu được mùi thơm
- Vị của kỳ nam gồm đủ chua, cay, ngọt, đắng
- Phần gỗ Kỳ Nam có đặc tính chìm trong nước do có trọng lượng riêng cao
Trầm hương được tạo thành từ gỗ ít tẩm nhựa hơn, mùi ít thơm hơn, gỗ có màu nâu hay sọc (chỉ) nâu đen. Trầm có vị đắng, trọng lượng nhẹ, nổi trên nước được, gỗ trầm có vân đậm nhạt và dợn sóng. Khi đốt trầm cho mùi hương nhẹ, khói trầm kết xoáy, tan nhanh trong không khí.
Do hình dáng, kích thước, màu sắc, trọng lượng và hương vị mà trầm hương được gọi bằng nhiều tên khác nhau: trầm mắt tử, trầm mắt đảo, trầm bông, trầm da bao, trầm điệp lá, trầm điệp trai, trầm bọ sánh, trầm kiến xanh, trầm kiến lọn. Trầm bới tìm được từ những đống gỗ mục của cây dó chết khô từ lâu gọi là trầm rục.
Phân loại Kỳ Nam
Cũng theo ông Võ Văn Chi thì Kỳ nam được chia làm bốn loại gồm:
- Kỳ Bạch: Loại này rất hiếm và quý, màu xám nhạt, tinh dầu tích tụ đều khắp thớ gỗ tạo thành khối màu xám, bóng mờ như dầu
- Kỳ Thanh: Loại này có màu đen nhánh có ánh xanh lục, mùi thơm rất dễ nhận biết
- Kỳ Huỳnh: Kỳ Huỳnh có màu vàng sẫm
- Kỳ Hắc: Hắc Kỳ có màu đen bóng như hắc ín, mềm và dẻo hơn ba loại trên
Vì sao Kỳ Nam và trầm hương có giá thành đắt đỏ?
Phần lớn, bên cạnh thắc mắc Kỳ Nam là gì thì hẳn nhiều người vẫn băn khoăn không hiểu lý do vì sao có những khối trầm trị giá hàng tỷ đồng, khối Kỳ Nam lên tới vài chục tỷ đồng. Sở dĩ trầm hương có giá thành đắt đỏ không chỉ vì độ quý hiếm mà trên hết là giá trị mà chúng mang lại.
Từ xa xưa, trầm hương ở các quốc gia châu Á, nổi bật là ở Việt Nam, đã được cống nạp cho các quốc gia phương Tây, Trung Đông, Ấn Độ, được nhiều nền văn hoá sử dụng cho mục đích tâm linh. Trầm xuất hiện trong các lễ nghi tôn giáo, được tôn kính trong các văn bản tinh thần của Ấn Độ giáo, Kitô giáo, Phật giáo và Hồi giáo.
Ở góc độ y học, trầm được ghi lại trong y văn Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc, Trung Đông và Châu Âu, được sử dụng như một loại thuốc an thần, giảm đau, hỗ trợ tiêu hoá và hành khí tự nhiên. Đến nay, hơn 250 hợp chất trong trầm hương đã được xác định, các chất chiết xuất thô và một số hợp chất có đặc tính chống dị ứng, chống viêm, chống tiểu đường, chống ung thư, chống oxy hóa, chống thiếu máu cục bộ, chống vi khuẩn, bảo vệ gan, nhuận tràng và bảo vệ hệ thần kinh. Đây là những tác dụng dược lý được hàng loạt các nghiên cứu trên thế giới báo cáo, chứng minh tác dụng của trầm hương trong y học cổ truyền.
Tại Trung Quốc, trầm được dùng để chữa tiêu chảy, kiết lỵ, nôn mửa, chán ăn, bệnh về răng miệng, liệt mặt, run rẩy, bong gân, gãy xương, thấp khớp, tim mạch rối loạn, ho, hen suyễn, bệnh phong, đau đầu, bệnh gout và viêm khớp. Ở Nhật Bản, trầm được biết đến có tác dụng nhuận tràng và an thần. Tại Hàn Quốc, trầm hương được dùng để chữa ho, viêm thanh khí phế quản, hen suyễn, thuốc bổ, an thần, long đờm…
Đó là lý do, rất nhiều người từ nhiều quốc gia đến Việt Nam để tìm, săn lùng trầm hương và cả Kỳ Nam. Đến nay trầm và Kỳ đều khan hiếm, khiến giá trị của chúng càng ngày càng đắt đỏ.